Ông kia nọ được ... sao tôi không? Saint Augustin

Tôi tự nhận định tác phẩm của tôi

TÔI TỰ NHẬN ĐỊNH TÁC PHẨM CỦA TÔI

Đã có nhiều bạn văn hỏi tôi thích tác phẩm nào của tôi nhất. Tôi đáp:
- Tùy từng loại; mà cũng tùy tuổi nữa, sự nhận định về già khác với thời trung niên. Xét chung thì tôi thích cuốn nào trong đó tôi gởi gấm được nhiều tâm tình, có được vài ý nghĩ tôi cho là tương đối mới ở nước mình, hoặc có được ít đoạn tôi đắc ý về bút pháp.
Trong chương này tôi hãy ghi qua sở thích của độc giả rồi đưa nhận định của tôi về một số tác phẩm đã xuất bản; những tập chưa xuất bản, tôi sẽ để lại một chương sau.

SỞ THÍCH CỦA ĐỘC GIẢ

Khoảng mười năm trước(*), một nhà văn đã giới thiệu tôi với độc giả một tờ báo định kỳ rằng ít nhất đã có hai thế hệ đọc sách của tôi. Tới nay(*) thì có thể nói là đã có ba thế hệ rồi: thế hệ những người chạc tuổi tôi, và thế hệ con học trò cũ của tôi hiện nay đã lên đại học.
Vì tôi viết cho mọi lớp tuổi từ bé tời già, lại viết cho cả giới bình dân (như thợ thuyền) lẫn với trí thức tân học và cựu học. Cho nên không thể kể được một cuốn nào mà mọi giới đều thích.
Xét chung thì giới bình dân và thanh niên chỉ thích những cuốn trong loại Học làm người; giới trí thức mới đọc loại biên khảo, và chỉ một số ít giáo sư mới đọc những cuốn như Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, Một niềm tin, Đại cương triết học Trung Quốc.
Một số khá đông, bắt đầu đọc tôi từ hồi ở trung học rồi thành độc giả trung thành, hai chục năm sau vẫn còn tìm tác phẩm của tôi để đọc; nhưng tôi chắc trong nước chỉ có độ bốn năm người có đủ 100 cuốn tôi đã xuất bản; và trong bốn năm người đó may lắm được vài người đọc qua loa, hết những cuốn đó.
Những cuốn bán chạy nhất thuộc loại Học làm người, như Đắc nhân tâm, Quảng gánh lo, Sống 24 giờ một ngày…, và loại chỉ cho học sinh thanh niên cách tự học, như Kim chỉ nam của học sinh, Tự học một nhu cầu của thời đại, Muốn giỏi toán hình học, đại số….
Những cuốn ế nhất là Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, Để hiểu văn phạm, Một niềm tin, Văn học Trung Quốc hiện đại.

LOẠI HỌC LÀM NGƯỜI

Dưới đây tôi xét về loại học làm người trước hết

Đã có lần tôi nói với thi sĩ Bàng Bá Lân: “Những cuốn trong loại đó (của tôi) chẳng qua cũng chỉ để cho thanh niên đọc”. Lời đó làm cho một độc giả của tôi, bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc “rất bực mình”. Trong bài Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi - (Bách Khoa, số 436, đã dẫn), ông viết:
“Nhìn lại toàn bộ tác phẩm của ông, không ai chối cãi giá trị của những cuốn Đông Kinh nghĩa thục, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đại cương triết học Trung Quốc, Ngữ pháp Việt Nam… và những Chiến tranh và Hòa bình, Sử ký Tư Mã Thiên, Chiến Quốc sách…Những tác phẩm đó thực sự có ích cho các nhà nghiên cứu, các sinh viên đại học và đã đóng góp một phần đáng kể cho nền văn hóa miền Nam. Nhưng theo tôi, những tác phẩm quan trọng trong đời ông, đáng cho ông hãnh diện chính là những tác phẩm nho nhỏ ông viết nhằm mục đích giáo dục thanh niên, hướng dẫn họ trong sự huấn luyện trí, đức. Đó là Kim chỉ nam của học sinh, Tự học để thành công, Tương lai trong tay ta, Rèn nghị lực…, và nhất là bộ GƯƠNG DANH NHÂN của ông. Mà họ là ai ? Là những thanh niên thất chí bán hàng xén như tôi thủa đó, là anh thợ may lận đận như anh chín NS, là một giáo viên tiểu học, một y tá hương thôn, một thư ký nghèo trong một công tư sở nào đó… Họ là những người có thiện chí, có tinh thần cầu tiến, hiếu học, nhưng vì hoàn cảnh mà lở dở. Họ là thành phần đông đảo nhất trong xã hội ta bây giờ, trong lòng họ nhen lên ngọn lửa nồng, và dù có không “thành công” nhiều thì đời sống họ cũng sẽ được nâng cao, ít ra là về mặt tinh thần”.
Cuối cùng ông Đỗ Hồng Ngọc còn bảo ngay André Maurois tám chục tuổi còn viết tập Thư ngỏ tuổi đôi mươi kia mà.
Tôi cũng nhận rằng nhờ những cuốn loại Học làm người mà tôi được nhiều người biết danh, nhiều thanh niên kính mến, và tôi đã được coi là “một nhà giáo dục quần chúng”, như một nhà văn đã nói. Một độc giả cho tôi hay một gia đình ông quen, từ cha mẹ tới con trai, con gái lớn nhỏ - nhỏ nhất học lớp năm tức lớp trên mẫu giáo - đều mua sách của tôi; người cha đọc xong còn trích nhiều câu viết lên giấy dùng làm châm ngôn lồng dưới kiếng trên bàn học của con. Ông ta thích nhất “tấm lòng thiết tha của tôi đối với truyền thống dân tộc cùng với thái độ giản dị khoan hòa, mẫu mực của tôi”. Ông bảo tôi đã dung hòa được tinh thần đạo học phương Đông với những kiến thức về khoa học thực nghiệm của phương Tây, điều đó rất hiếm.
Những cuốn đó đều viết với một giọng thành thực, thân mật, với một nhiệt tâm giúp đỡ thanh niên bằng những kinh nghiệm sống của bản thân tôi. Ngày nay, ngồi buồn tôi thỉnh thoảng còn đọc lại vài trang trong những cuốn Kim chỉ nam của học sinh, Thế hệ ngày mai, Luyện lý trí, nhất là cuốn Tương lai ở trong tay ta mà tôi vẫn thấy có nhiều chương hấp dẫn, như: Ai cũng có thể bất hủ (chương IV), Nghỉ ngơi và tiêu tiền (chương V), Để giữ gìn hạnh phúc trong hôn nhân (chương IX), Lời khuyên riêng các bạn gái (chương X), Dự bị cho tuổi già (chương XI). Suốt đời tôi, tôi đã theo đúng những qui tắc tôi nêu trong cuốn đó về cách làm việc và tiêu tiền. Tôi đã làm rồi mới nói.
Ông Giản Chi bảo, khi đọc xong cuốn đó ông bỗng hiểu hai câu thơ này của một thi sĩ đời Thanh:
                        Nhân sự tự sinh kim nhật ý
                        Hàn hoa chỉ tác khứ niên hương.

Chính ông dịch:
                        Ý mới rút từ kinh nghiệm cũ
                        Mai già lưu lại chút hương xưa

Cuốn đó có thể coi là một tập gồm nhiều cảo luận đắc ý của tôi. Ba độc giả không quen biết nhau đều thích cuốn đó vì các cuốn khác ở nước mình viết về việc tổ chức đời sống  đều phỏng theo sách Pháp, Anh, duy cuốn của tôi có tính cách Việt Nam. Một số người già cho rằng tôi là nhà văn Việt Nam độc nhất dung hòa được hai nền văn minh Đông, Tây một cách tốt đẹp.
Tôi cũng vừa lòng về một loạt trên chục cuốn loại GƯƠNG DANH NHÂN mà độc giả nào cũng khen và ở trên tôi cũng đã nhắc tới. Trong loại đó tôi đã thực hiện được một cách giáo hóa thanh niên tôi ủ ấp từ hồi mới cầm bút.
Mới đầu tôi viết những tiểu sử ngắn độ vài chục trang (trong cuốn GƯƠNG DANH NHÂN), rồi lần lần tôi viết dài hơn, bốn năm trục trang (như trong Cuộc đời ngoại hạng), sau cùng dài trên dưới hai trăm trang và tôi phải để riêng một cuốn cho mỗi nhà (Einstein, Tô Đông Pha…)
Trong số trên mười tác phẩm đó tôi thích nhất Tô Đông Pha, Cuộc đời ngoại hạng, Ý chí sắt đá.
Những nhân vật kỳ dị thì phải kể Huyền Trang, Gandhi, Lincoln ba tâm hồn cao cả vào bậc nhất cổ kim, H. Keller kiên nhẫn lạ lùng: đui, điếc từ bé mà học hết đại học, viết được trên mười cuốn sách, lại diễn thuyết khắp Đông, Tây nữa; E. Lawrence một chính khách mạo hiểm, giữ chữ tín, đi tìm sự tuyệt đối, khi thất bại thì kiếm đủ cách để tự hủy hoại.
Nhưng làm cho tôi và rất nhiều độc giả cảm động nhất là đời của hai người đàn bà; bà La Fayette suốt đời hy sinh cho chồng; và bà Curie tận tụy với chồng và khoa học, sống đơn giản như người thời cổ, tuyệt nhiên không nghĩ đến danh lợi, đến bản thân. Cuộc hôn nhân của ông bà Curie thành công nhất mà tôi biết, thành công cho ông bà và cả cho nhân loại.
Xét chung thì các nhà khoa học suốt đời cặm cụi nghiên cứu như Fabre “thi sĩ của côn trùng” sướng nhất, rồi tới những nghệ sĩ bỏ hết tiền của tâm trí để tìm cái đẹp, như Disney. Khổ nhất thường là những nhà văn như Balzac, Maugham, Dostoiesvki, Tolstoi… Nhưng chua xót nhất là bác sĩ Semmelweiss: ông hóa điên rồi tự tử, không ai tin thuyết của ông (bệnh sốt sản hậu do vi trùng gây ra) mà cứ để cho sản phụ châu Âu chết như rạ.
Vậy tôi đã không phí thì giờ để viết loại Học làm người, và ông Đỗ Hồng Ngọc đã mến tôi rất bực mình khi tôi xếp những cuốn đó vào thứ yếu.
Tuy nhiên, André Maurois đã viết nhiều cuốn giáo dục thanh niên như Un art de vivre, Lettres à l’inconnue (bản dịch của tôi: Thư gửi người đàn bà không quen biết), Cours de bonheur conjugal, Lettre ouvert à un jeunne homme sur la conduite de la vie (Thư ngỏ gửi tuổi đôi mươi), Dialogues sur le commandement, được người Pháp coi là nhà văn luân lý (Écrivain moraliste) của thời đại, một “honnête homme” (chính nhân quân tử) của phương Tây; mà về già, khi ôn lại cuộc đời viết văn của ông trong cuốn Portrait d’un ami qui s’appelait moi, ông không hề nhắc tới những cuốn kể trên, không coi trọng công việc hướng dẫn, khuyên nhủ thanh niên đó, mà lại thích nhất những cuốn Disraeli (Kể tình thương yêu, quí mến lẫn nhau của ông bà Disraeli, một chính trị gia đại tài của Anh dưới triều đại nữ hoàng Victoria), truyện Climats (một tiểu thuyết tâm lý) những tiểu sử Lélia (George Sand), Olympio (Victor hugo)(1), Proust, Alain …, những cuốn sử Anh, Hoa Kỳ, Pháp; còn các nhà phê bình Pháp thì hầu hết đều cũng nhận rằng những bộ tiểu sử Lélia, Olympio, Balzac, Alexandre Dumas của ông là phần chính trong sự nghiệp của ông, viết rất công phu, đọc rất thú, và ghi lại được nhiều nét của xã hội Pháp thế kỷ XIX, gần như bộ Comédie humaine của Balzac, lại có một số ít các nhà phê bình thích những truyện ngắn không tưởng, mỉa đời của ông như Au pays des Articoles, hoặc quái dị như Le peseur d’âme, La machine à lire les pensées.
Vậy thì việc nhận định văn học bao giờ cũng tùy sở thích của mỗi người, có khi của mỗi thời nữa.

LOẠI VĂN HỌC

(…)

HƯƠNG SẮC TRONG VƯỜN VĂN

(…)

CỔ VĂN TRUNG QUỐC

(…)

CHIẾN QUỐC SÁCH - SỬ KÝ

(…)

TÔ ĐÔNG PHA

Tôi đặt Tô Đông Pha vào loại Văn học, nhưng cũng có thể đặt vào loại GƯƠNG DANH NHÂN cùng với mấy cuốn Einstein, Bertrand Russell, Henry David Thoreau (Một lương tâm nổi loạn) được - (Mấy cuốn đó giống nhau ở điểm mỗi cuốn viết riêng về một nhà). Tôi thích họ Tô nhất vì tấm gương của Tô gần với tôi hơn cả.
Tôi rất phục tài của Tô, yêu tinh thần bình dân của Tô, mong học được đức khoan hòa, phóng khoáng của Tô. Tôi ước ao được sống cuộc đời nghệ sĩ của ông ở Hàng Châu, ở Lâm Cao, được thả thuyền trên Tây Hồ mà ngắm đủ thập cảnh, uống rượu ngâm thơ với bạn trên dòng Xích Bích.
Mới mấy năm trước đây, vì thời tiết thay đổi, vừa bật đèn lên ăn cơm thì mối bay ra cả đám, tôi phải tắt đèn, ra ngồi ăn thầm ngoài sân (ở Long Xuyên), rồi về khuya, cóc kêu inh ỏi ở bên phòng, tôi phải trở dậy, kiếm viên thuốc ngủ và nhớ lại hồi ông bị đày ở đảo Hải Nam, sống cực khổ mà vẫn vui vẻ, trào phúng được. Về mọi phương diện, ông đều đáng làm thầy tôi.
Tôi thường đọc lại những đoạn ông ở Hàng Châu, Lâm Cao, Hải Nam đó, và đoạn ông ngồi thuyền qua hẻm Vu Giáp, trên sông Dương Tử để lên kinh.
Yêu ông, tôi cũng yêu mấy nhân vật kỳ dị thời ông nữa: Một học giả bỏ ra 25 năm, viết một bộ sử vĩ đại (Tư Mã Thiên), một triết gia sống khắc khổ (Trình Di), một đạo sĩ đi mấy ngàn cây số để thăm ông, yêu cả Vương An Thạch nữa, tại sao không ? Nhà cách mạng đó ngây thơ, có thể khùng khùng nhưng đâu có bỉ ổi ! Còn nàng Triệu Vân nữa mà bạn của Tô gọi là Phật bà Quan Âm.
Tóm lại tôi yêu cả xã hội Trung Hoa thời ông: Nó chia rẽ, bất công, suy về kinh tế, võ bị, nhưng về văn học, triết học, mỹ thuật lại rất tiến. Hễ văn minh thì không hùng cường, hễ hùng cường thì không văn minh. Hy Lạp sau thời Périclès văn minh rực rỡ mà bị Macédoine chiếm.
Năm 1974 tôi đã sửa lại Tô Đông Pha, thêm vài đoạn (một đoạn về cảnh Tây Hồ), nhà Cảo Thơm chưa kịp tái bản thì Sài Gòn được giải phóng, phải đóng cửa. Vài bạn kháng chiến rất thích cuốn đó.

VĂN HỌC TRUNG QUỐC HIỆN ĐẠI

(…)

KHẢO LUẬN VỀ NGỮ PHÁP VIỆT NAM

(…)

CÁC TÁC PHẨM VỀ TRIẾT HỌC TRUNG HOA

(…)

VỀ SỬ - ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC

(…)

 

Trích từ Hồi ký Nguyễn Hiến Lê
NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2001.
(nơi trang 536 đến 559)

(*) Hồi ký Nguyễn Hiến Lê viết năm 1980.

(1) Ở đây, ông Nguyễn Hiến Lê gọi tắt cho gọn, chứ thực ra thì nhan đề do chính André Maurois đặt lại dài hơn. Tiểu sử về George Sand là Lélia ou la vie e George Sand, về Victor Hugo là Olympio ou la vie de Victor Hugo, về Balzac là Prométhée ou la vie de Balzac. Riêng về Marcel Proust thì Maurois lấy luôn nhan đề tác phẩm chính của Proust. Tiểu sử về Marcel Proust có nhan đề là À la recherche de Marcel Proust.